Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Nhật ký cuối cùng của Marilyn Monroe



Nhật ký cuối cùng của Marilyn Monroe

 
 
Khác với những quyển sách trước đây viết về huyền thoại Marilyn Monroe, “Fragments” (cuốn nhật ký cuối cùng của Marilyn vừa được phát hành) là cuộc hành trình đi vào nội tâm để tìm ra nguyên nhân cái chết của minh tinh đoản mệnh này.
 
Mang tựa đề “Fragments” (Đoản bút), quyển sách dày 280 trang, bao gồm các bản thảo viết tay hoặc đánh máy, các đoạn văn tùy bút và những bài thơ. Bên cạnh đó còn có các bức thư, các bản ghi chú với hơn 30 tấm ảnh, trong đó có nhiều bức ảnh chưa từng được phổ biến. Quyển nhật ký của Marilyn đã được dịch sang nhiều thứ tiếng để có thể tung ra cùng một lúc tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Bài liên quan: Nhật ký cuối cùng của Marilyn Monroe
Lúc sinh thời, tuy không hề biết rằng mình sẽ qua đời rất sớm nhưng Marilyn Monroe vẫn để lại một bản di chúc. Theo đó, cô yêu cầu nếu có bất cứ đều gì không may xảy ra với mình, thì toàn bộ các vật dụng, đồ đạc cá nhân phải được giao cho nhà biên kịch Lee Strasberg. Ông là một trong những người sáng lập và điều hành trường Actors Studio (từ năm 1951 đến 1982), và đã chỉ dạy cách thức diễn xuất cho nhiều thế hệ diễn viên, trong đó có Marilyn. Sau khi ông từ trần, vợ của ông là bà Anna Strasberg đã thừa hưởng di sản của Marilyn. Chính bà là người đã quyết định cho xuất bản những bài thơ, các đoạn tùy bút và một số thư từ gửi cho bạn thân của ngôi sao màn bạc.
Quyển nhật ký này được giới thiệu như là cuộc hành trình đi vào nội tâm của Marilyn Monroe. Gọi là nhật ký, nhưng thật ra quyển “Fragments” lại giống như một quyển tùy bút của một người đàn bà tìm cách hàn gắn những mảnh vỡ trong tâm hồn. Quyển sách này tập hợp những bài viết của Marilyn Monroe trong một thời gian dài, từ lúc  cô mới trưởng thành cho đến những ngày cuối đời tức là vào mùa hè năm 1962. Bài đầu tiên được viết vào năm 1943, Marilyn lúc đó mới 17 tuổi.
Nhật ký cuối cùng của Marilyn Monroe - 1
Đây là một bản đánh máy mà trong đó Marilyn Monroe kể lể những nỗi niềm của một người đàn bà bị chồng phản bội. Thời ấu thơ, Marilyn Monroe bị mẹ bỏ rơi, lúc đầu cô sống ở viện cô nhi, thời niên thiếu cô được giao cho người khác nuôi nấng. Marilyn Monroe thành hôn rất sớm vào năm 16 tuổi với một anh bạn hàng xóm, chính là để thoát khỏi cuộc sống gia đình, tù túng đầy gò bó với cha mẹ nuôi. Khi biết được chồng mình ngoại tình, Marilyn lại có cảm giác một lần nữa, cô bị bỏ rơi. Bức thư đánh máy này không biết rõ là gửi cho ai, lối viết tự sự đầy nỗi buồn ai oán, giống như một bức thư viết cho chính mình hơn là gửi cho tình nhân phản bội… Đây là một trong những tư liệu hiếm còn được lưu lại cho đến bây giờ.
Do tập hợp nhiều tư liệu khác nhau nên quyển “Fragments” không thuần nhất trong cách viết. Quyển sách này không giống như một cuốn nhật ký theo đúng nghĩa của nó. Tựa đề “Fragments” có ý nghĩa gần sát nhất với những bài viết của Marilyn, cô không viết một cách đều đặn, theo kiểu ngày qua ngày, mà lại viết theo ngẫu hứng của khoảng khắc, để nói lên tâm trạng của mình vào một thời điểm nhất định. Và những bài viết thường phản ánh những trăn trở của Marilyn, một góc vườn thầm kín và riêng tư chứ không phải được dành cho nhều người đọc.
Nhật ký cuối cùng của Marilyn Monroe - 2
Trong số các bản thảo viết tay của Marilyn, các đoạn tùy bút và nhất là các bài thơ được viết một cách  nghiêm túc nhất. Nếu có một sợi chỉ đỏ xuyên suốt duy nhất, thì đó sẽ là những cảm xúc mông lung và bất chợt khi Marilyn viết về bản thân cũng như về sự nghiệp của mình. Các bài viết của Marilyn hầu như lúc nào cũng phản ánh một nỗi buồn da diết. Chẳng hạn như trong bài thơ với câu mở đầu: “Suốt đời tôi đi tìm niềm vui dài lâu, nhưng hạnh phúc lúc nào cũng khoác áo u sầu”. Nhưng điều đó không có nghĩa là Marilyn lúc nào cũng buồn bã, chán nản. Ngược lại cô biết tìm nghị lực khi cần phải thực hiện những dự án mới. Dĩ nhiên, Marilyn dễ  tìm nguồn cảm hứng trong nỗi buồn nhiều hơn là trong niềm vui khi cô viết về chính mình.
Theo cô, có một sự hiểu lầm đáng tiếc giữa cô với các hãng phim. Làng điện ảnh Hollywood chỉ gán cho cô một hình ảnh duy nhất: một người đàn bà tóc vàng, hiện  thân của dục vọng phơi bày trong bóng tối của phòng chiếu phim, hay trên trang bìa các tạp chí sáng loáng vì thế không có một người đàn ông nào thật sự yêu cô hết mình, chấp nhận sống với cô chọn đời để Marilyn không bị bỏ rơi một lần nữa.
48 năm sau ngày qua đời, cuộc tranh luận xung quanh cái chết bí ẩn của Marilyn vẫn chưa có kết luận dứt khoát. Có người cho rằng Marilyn rốt cuộc tự kết liễu cuộc đời vì ý thức rằng cô không thoát khỏi nỗi bất hạnh truyền kiếp. Nhưng cũng có người nghĩ rằng Marilyn Monroe đã bị ám sát vì có nhiều dấu hiệu cho thấy trong những ngày tháng cuối cùng cô đang yêu đời trở lại.
Nhật ký cuối cùng của Marilyn Monroe - 3
Theo nhà phê bình Bernard Comment, câu chuyện không đơn giản như thế. Vào tháng 12-1961, tức là 6 tháng trước khi qua đời, Marilyn có gửi một bức thư dài cho thầy Lee Strasberg để nói về các kế hoạch trong tương lai của cô: đặc biệt là dự án thành lập một công ty sản xuất phim với tài tử Marlon Brando. Vài tháng sau đó, trong một bức thư gửi cho bạn thân, Marilyn nhắc đến kế hoạch này, giọng điệu của cô lúc đó rất vui, và chuyện tiền bạc không đặt thành vấn đề .
Nhiều ý kiến cho rằng một người có ý định tự vẫn thì thường buông thả mọi thứ trên đời, chứ không lên kế hoạch đầu tư như vậy. Nhưng theo ông Comment, nội dung viết trong thư chỉ là những dấu hiệu, chứ chưa phải là bằng chứng hẳn hoi để có thể quả quyết bất cứ điều gì. Điều chắc chắn là Marilyn  là một nhân vật hết sức phức tạp, với đời sống nội tâm mãnh liệt. Biết bao quyển tiểu sử đã được viết về cô mà không có quyển sách nào có thể vén màn bí mật xung quanh nghi án Marilyn Monroe.
Theo các nhà phê bình, có một điều mà quyển “Fragments” làm nổi bật đó là Marilyn có một tâm hồn cực kỳ nhạy cảm. Cuộc hành trình đi vào nội tâm là một chuyến phiêu lưu, thám hiểu đầy thử thách. Thực tế phũ phàng đến nỗi khi mới vào nghề diễn viên, Marilyn nói rằng, thà mẹ mình đã qua đời, hơn là thừa nhận bà bị nhốt trong bệnh viên tâm thần. Kiếp đàn bà oan nghiệt đến mức, bao lần Marilyn thầm khóc cho tuổi thơ bất hạnh, thở than cho thân phận con người. Trong huyền thoại Marilyn Monroe dường như không có chiếc áo giáp nào đủ dày, để chống đỡ mũi tên của định mệnh.
(Theo An ninh thế giới)
 
 
 

Marilyn Monroe trên tạp chí Vanityfair
Marilyn Monroe trên tạp chí Vanityfair

“Cuộc đời Marilyn Monroe – những bí mật lần đầu tiên được tiết lộ”

Những diễn biến tâm lý gắn với 3 cuộc hôn nhân của người đàn bà có sắc đẹp mê hoặc, những bí mật sâu xa xung quanh cái chết ở tuổi 36, những góc khuất trong tâm hồn đa cảm…Cuộc đời ngắn ngủi và đầy sóng gió, với Marilyn Monroe - cái chết chưa bao giờ là dấu chấm hết.
 
Kỳ 1: “Hoàn toàn phụ thuộc, bị sỉ nhục và cô đơn cùng cực”
Và trong những ngày này, người hâm mộ toàn thế giới thêm một lần rúng động khi rất nhiều thông tin bí mật về đời tư của cô được hé lộ trong cuốn sách mới nhất có tên “Mảnh vụn: thơ, ghi chú và thư tay”.
Đó là những tài liệu, vật dụng, những bức thư tình và những mẩu ghi chép vụn vặt mà Marilyn Monroe từng gửi gắm cho Lee Strasberg – giáo viên dạy diễn xuất của mình. Ông đã qua đời năm 1982.
Anna Mizrahi Strasberb – người vợ thứ 3 của Lee Strasberg hiện là chủ sở hữu của những tài sản vô giá này.  Nhiều năm sau khi thừa kế, bà mới tìm thấy hai thùng chứa các tài liệu này. Và tới năm 1999, Anna mới tổ chức bán đấu giá tài sản của Marilyn ở phòng đấu giá Chirstie với tổng giá trị 13.4 triệu đô la Mỹ. Gia đình Strasberg vẫn tiếp tục bán bản quyền hình ảnh Marilyn mỗi năm thu được hàng triệu đô la Mỹ nữa. Tất cả số tiền trên được đưa vào Học Viện điện ảnh và sân khấu Lee Strasberg ở đường 15 gần quảng trường Union, New York.
“Mảnh vụn: thơ, ghi chú và thư tay” là cuốn sách chứa đựng các phát hiện quý giá cho các nhà viết tiểu sử và fan hâm mộ của Marilyn. Chúng cũng góp phần quan trọng làm nên câu trả lời cho những nghi kỵ, lời buộc tội xung quanh cái chết của cô.
“Cuộc đời Marilyn Monroe – những bí mật lần đầu tiên được tiết lộ” - 1
Marilyn Monroe (1926 – 1962), là một diễn viên, biểu tượng sex
và hình tượng pop nổi tiếng của thế kỷ 20.
Những “mảnh vụn” của nỗi cô đơn
Luôn đi học muộn và thường chỉ kịp vào lớp trước khi lớp đóng cửa, với khuôn mặt mộc và mái tóc óng ánh được che giấu bằng khăn choàng, Marilyn cố gắng để không thu hút sự chú ý.  Cô thường ngồi ghế cuối cùng trong những phòng học tối tăm ở Malin Studio trên phố 46. Khi giơ tay để phát biểu, cô thường nói với giọng rất nhỏ. Mặc dù không muốn thu hút sự chú ý vào mình nhưng những học viên khác cũng không thể không nhận ra rằng minh tinh nổi danh nhất thế giới đang cùng học trong lớp diễn xuất của mình.
Cách đó vài tòa nhà, trên Rạp hát quốc gia Loew ở giao lộ phố 45 và phố Broadway, có một Poster Marilyn khác mà ai cũng biết: cao 15 mét,  mặc chiếc váy trắng bị thổi bồng bềnh giữa đùi nhờ gió từ tàu điện ngầm và vẻ mặt đầy vui sướng.
Khi đến lượt diễn xuất một bài tập về trí nhớ, Marilyn được yêu cầu nhớ một khoảnh khắc trong đời, nhớ quần áo đang mặc, nhớ các cảnh tượng và mùi vị của ký ức đó. Cô mô tả mình đã cảm thấy cô đơn thế nào trong một căn phòng, và sau đó, một người đàn ông đi vào. Mặc dù giáo viên đã quát cô và bảo cô chỉ kể những gì mình trông thấy hoặc nghe thấy chứ không phải những gì mình cảm thấy, cô bắt đầu khóc vật vã và sau đó thút thít khi kể về những gì mình nghe thấy trong suốt bài tập. Đây có phải là Marylin Mỏnoi thực sự: một người phụ nữ 29 tuổi nhút nhát và thiếu tự tin?
“Cuộc đời Marilyn Monroe – những bí mật lần đầu tiên được tiết lộ” - 2
Marilyn Monroe sống tại Waldorf-Astoria, Manhattan
“Hoàn toàn phụ thuộc, bị sỉ nhục và cô đơn cùng cực”
Marilyn bắt đầu học ở lớp học riêng với giáo viên diễn xuất nổi tiếng Lee Strasberg vào tháng 3 năm 1955.  Cô cũng được dìu dắt đạo diễn điện ảnh và sân khấu danh tiếng Elia Kazan - đồng thời cũng là một mối tình ngắn ngủi của cô. “Kazan cho rằng tôi là cô gái vui vẻ nhất mà ông từng gặp” - Marilyn viết cho nhà phân tích tâm lý- bác sĩ Ralph Greenson trong lá thư cuối cùng và có lẽ là quan trọng nhất trong bộ tài liệu này. “Và tin tôi đi, ông ấy biết rất nhiều người. Nhưng ông ấy yêu tôi trong một năm và một lần khi tôi bất ổn về tâm lý đã ru ngủ cho tôi. Ông cũng đề nghị tôi đi gặp bác sĩ và sau này muốn tôi làm việc cùng thầy giáo của ông, Lee Strasberg”.
Cô sống ở khách sạn Gladstone trên phố 52 gần đại lộ công viên khi bắt đầu làm việc với Strasberg và thực hiện phân tích tâm lý - một yêu cầu bắt buộc đối với học viên của Trường diễn xuất. Được thành lập năm 1947 bởi Kazan và các đạo diễn Cheryl Crawford, Robert Lewis, trường được coi là “thánh địa” của phương pháp diễn xuất sử dụng các bài tập dựa vào hồi ức cảm giác và các “khoảnh khắc riêng” được rút ra từ chính cuộc đời diễn viên.
“Cuộc đời Marilyn Monroe – những bí mật lần đầu tiên được tiết lộ” - 3
Những trang viết trong “Mảnh vụn: thơ, ghi chú và thư tay” của  Marilyn
Trong suốt thập kỷ 40 và phần lớn thập kỷ 50, 60,  Actor Studio được coi là trường tốt nhất cho các diễn viên sân khấu ở Mỹ. Strasberb là một thiên tài về phân tích diễn xuất của diễn viên. Ông thường rất cứng nhắc và lạnh lùng.
Đối với Marilyn, Strasberg giống như một  người cha. Việc ông chấp nhận cô làm học sinh riêng càng giúp cô tăng sự tự tin và cho cô những bài học cải thiện khả năng diễn xuất. Những điều đó đã biến cô từ một minh tinh màn bạc thành một nghệ sĩ thực thụ.
Nhưng vài năm sau, Karan nhận thấy:“Diễn viên càng ngây thơ và nghi ngờ bản thân, quyền lực của Strasberg càng mạnh. Diễn viên càng nổi danh và thành công, ông càng thèm quyền lực. Và Les Strasberg đã tìm thấy một nạn nhân hoàn hảo: Marilyn Monroe”.
Điều quan trọng nhất, bộ tài liệu này cho thấy những dẫn chứng sâu sắc hơn bộ sưu tập của Inez Melson (người quản lý của Marilyn)  được công bố vào tháng 10 năm 2008. Chúng lột tả chân thực những xúc cảm một người phụ nữ đang tìm kiếm chính bản thân và cả những trải nghiệm khi trải qua những nỗi đau – sự sợ hãi xâm chiếm trong tâm hồn.
“Cuộc đời Marilyn Monroe – những bí mật lần đầu tiên được tiết lộ” - 4
Một chuyên gia đã dùng kính núp để xem lại những kịch bản
trong cuốn sách này của  Marilyn
Cuộc hôn nhân chóng vánh
Trong một tài liệu đánh máy dài năm hơn 5 trang, Marilyn nhìn lại cuộc hôn nhân đầu tiên với James Dougherty, một người đàn ông thông minh và quyến rũ hơn cô 5 tuổi. Họ kết hôn vào tháng 6 năm 1942 – khi cô vừa tròn 16 tuổi. Tài liệu này mô tả cảm giác cô đơn và bất an của cô trong mối quan hệ được quyết định chóng vánh này. Cuộc hôn nhân này trên thực tế là một cách để tránh việc Marilyn (khi đó tên là Norma Jeane Baker) phải trở lại trại trẻ mồ côi khi người chăm sóc cô, Grace và Erwin Goddard chuyển khỏi California. Nhưng người ta cho rằng, để Marilyn sống tách xa họ cũng là cách Grace phải làm để cuộc sống gia đình mình yên ấm. Bà đã cảm nhận thấy những ánh mắt “không bình thường” mỗi lần bắt gặp chồng mình thẫn thờ ngắm cô con gái nuôi.
Marilyn không thực sự là trẻ mồ côi vì mẹ cô, Gladys Monroe Backer, sống còn lâu hơn cô con gái nổi tiếng. Nhưng do Gladys bị bệnh tâm thần phân liệt, phải ra vào viện nhiều năm, vì vậy Marilyn đã không có được những sự chăm sóc tối thiểu. Cô được gửi vào trại trẻ mồ côi và đã được Grace Goddard, một người bạn  thân của mẹ cô mang về nuôi dưỡng. Marilyn cũng ở trại mồ côi trong gần 2 năm, còn Dougherty thì thích ý tưởng cứu cô bé nhút nhát xinh xắn bỏ học trung học để cưới anh. Chẳng có gì ngạc nhiên khi mối quan hệ đó đổ vỡ.  Họ đã ly hôn ngày 13/ 9/1946.
“Cuộc đời Marilyn Monroe – những bí mật lần đầu tiên được tiết lộ” - 5

“Cuộc đời Marilyn Monroe – những bí mật lần đầu tiên được tiết lộ” - 6
Theo tài liệu ghi lại từ cuốn sách “Mảnh vụn: thơ, ghi chú và thư tay”, cuộc hôn nhân
đầu tiên của Marilyn chỉ kéo dài trong 4 năm. Trong suốt thời gian này,
Marilyn luôn sống trong cảm giác cô đơn và bất an.
“Mối quan hệ của tôi với anh ấy bản chất đã bất an ngay từ đêm đầu tiên”, cô viết trong một ghi nhớ dài, không đề ngày tháng và khá lan man, có thể là được viết bằng tay sau khi phân tích tâm lý và sau đó được thư ký riêng May Reis đánh máy lại. Các nhà phân tích cho rằng ghi nhớ được viết khi Norma Jeane 17 tuổi và vẫn đang là vợ Dougherty nhưng sự tập trung vào tự phân tích cho thấy nó có vẻ được viết sau này. Đây là một tài liệu thú vị, đầy lỗi chính tả, đan xen quá khứ với hiện tại, đôi khi tái hiện các cảnh của hôn nhân và sự ghen tuông của cô với Dougherty, đôi khi quay lại và phân tích trạng thái tâm lý của cô.  Cô viết:
”Anh ấy quả thật rất quyến rũ vì là một trong số rất ít người đàn ông trẻ mà tôi không cảm thấy ghê tởm khi làm tình. Bên cạnh đó, tôi cũng có ảo giác về sự an toàn và cảm thấy anh ấy có nhiều tố chất mạnh mẽ mà tôi không có - khi viết ra giấy thì có vẻ không logic nhưng các buổi hẹn hò bí mật vào nửa đêm, các cái nhìn trộm khi có mặt người khác và chia sẻ đại dương, trăng, sao và không khi cùng nhau tạo thành những cuộc phiêu lưu lãng mạn mà một cô gái trẻ và khá nhút nhát thường không có...”
Hồi ức của cô về cuộc hôn nhân đó xoay quanh nỗi sợ là Dougherty thích một cô gái khác, có thể là Doris Ingram, hoa hậu Santa Barbary, đã làm Marilyn cảm thấy không xứng đáng và dễ tổn thương với đàn ông:
“Cuộc đời Marilyn Monroe – những bí mật lần đầu tiên được tiết lộ” - 7
Marilyn Monroe trên tạp chí Vanityfair
Cảm thấy phải chống lại mà không có sự chuẩn bị trước. Cảm giác đầu tiên không phải là tức giận mà là sự đau đớn, tổn thương,  bị từ chối và cảm nhận sự phá hủy hình ảnh lý tưởng của tình yêu thực sự. Cảm xúc  đầu tiên lúc đó là cảm giác phụ thuộc, bị sỉ nhục và cô đơn đối với những người đàn ông (tất cả suy nghĩ và viết lách này làm tay tôi run ...)
Sau đó cô tự hỏi không biết các bài tập về ký ức và tự phân tích có tốt cho mình không:
”Với những người như tôi, thật là sai trái khi phải phân tích bản thân kỹ càng. Tôi đã làm việc đó trong suy nghĩ, quá đủ rồi. Biết rõ chính mình hoặc nghĩ mình biết rõ chính mình cũng chẳng vui vẻ gì - mỗi người đều cần chút ít tự hào để đi tiếp và vượt qua những vấp váp”…
Chí Mai (Theo Vanityfair)
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét