Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Đường lên 'Tây lương Nữ quốc'


Đường lên 'Tây lương Nữ quốc'


Nơi phụ nữ nắm mọi quyền hành, không có khái niệm về vợ chồng, hôn nhân; trai gái đến với nhau vào lúc nửa đêm và trở về nhà khi bình minh đến, đó là nơi có tên vương quốc nữ nhi.
Đó cũng là địa danh “Tây Lương Nữ Quốc”, nơi Đường tăng đã một lần lạc bước dùng dằng trên đường sang Tây phương thỉnh kinh. Dưới đây câu chuyện của phóng viên Tuổi Trẻ ở vùng đất kỳ lạ đó.
Theo dấu Đường tăng
Tiểu thuyết về hành trình Tây du của bốn thầy trò Đường tăng là hư cấu, nhưng sự kiện sang Tây phương thỉnh kinh của Trần Huyền Trang - Đường Tam Tạng là có thật. Ông tên thật là Trần Vỹ, sinh năm thứ 16 đời nhà Đường (Đường Thái Tông). Hành trình sang Tây phương (Ấn Độ) thỉnh kinh của ông được sử sách Trung Hoa lưu lại qua bộ sử thi Đại Đường Tây vực ký do chính Đường tăng viết. Bộ sách cũng từng nhắc đến sự kiện Đường tăng lạc bước vào “Tây Lương Nữ Quốc”.
Nữ nhi quốc trong truyền thuyết Tây du ký được người Trung Quốc cho là khu vực sinh sống ngày nay của cư dân bộ tộc Moso nằm trong địa danh hồ Lugu - một vùng rừng núi heo hút trên cao nguyên Minh Châu, ở làng Vĩnh Ninh, huyện Ninh Lạng, phía tây bắc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Bộ tộc người Moso tự xưng là người Nạp Nhật, là hậu duệ của dân tộc Khương cổ đại.

Hồ Lugu trên cao nguyên Minh Châu. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Theo “Nguyên sử địa lý chí” của người Trung Quốc, người Moso từ cao nguyên Himalaya đã di cư đến vùng hồ Lugu từ hơn 1.500 năm nay. Với người Moso, cho dù trong xã hội bộ lạc hay thị tộc thì từ trước đến nay họ đều theo chế độ mẫu hệ, mọi việc trong cộng đồng, gia đình đều do người phụ nữ nắm quyền. Người Moso được cai quản bởi một nữ vương và việc điều hành bên dưới đều do các nữ quan đảm nhiệm. Đàn ông chỉ là những chiếc bóng trong một thế giới nữ quyền tuyệt đối.
Truyền thuyết dân gian cho rằng phụ nữ trong bộ tộc Moso cực kỳ xinh đẹp và rất khỏe mạnh, đàn ông các bộ tộc khác lỡ bước lạc vào Nữ nhi quốc sẽ bị bắt làm nô lệ, đặc biệt là những trai tráng tràn trề sinh lực, ban ngày sẽ phải làm lụng cực nhọc và về đêm sẽ làm thú vui thể xác thâu đêm cho các đấng nữ nhi. Ai không tuân thủ sẽ bị những hình phạt vô cùng khắc nghiệt.
Những đứa trẻ sinh ra từ những cuộc tình qua đêm sẽ không bao giờ được nhận cha, và những phụ nữ nơi này được tự do ái ân hoan lạc với bất kỳ người đàn ông nào mình thích.
Chuyện kể rằng vào năm 1927, có một nhà khoa học người Mỹ tìm đến nghiên cứu vùng đất này và ông đã mất tích trong suốt gần 30 năm, đến khi người ta tìm thấy ông thì ông đã gần đất xa trời, bởi ông không thể thoát ra được thế giới của mỹ nhân và chấp nhận làm nô lệ tình ái trong suốt hơn một phần tư thế kỷ.
Tiên cảnh giữa trần gian
Chúng tôi lên đường tìm đến Nữ nhi quốc sau ba chặng bay dài từ TP.HCM sang Nam Ninh (thủ phủ tỉnh Quảng Tây) - Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam) - Lệ Giang, sau đó chuyển sang chặng đường bộ dài 270km lên cao nguyên Minh Châu.

Lạc Thủy Thôn ở nữ nhi quốc. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Lạc Thủy Thôn ở nữ nhi quốc. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Hà sư phụ, người lái xe dân tộc Naxi (Nạp Tây), cho biết: "Đây là một trong những cung đường gian nan nhất vùng tây bắc tỉnh Vân Nam". Ngày trước muốn lên cao nguyên Minh Châu phải mất mười ngày đi bộ từ Lệ Giang. Từ năm 2006, chính phủ đầu tư đường lên hồ Lugu, nhưng do địa thế hiểm trở, phải vượt 18 con đèo cao ngất chìm đắm gần như quanh năm giữa mây mù nên trung bình phải mất bảy giờ nếu mọi chuyện xuôi chèo mát mái, anh cho biết. Có lẽ vì địa thế heo hút, hiểm trở, không có đường thông thương với thế giới bên ngoài nên Nữ nhi quốc vẫn là huyền thoại với nhiều người cho đến tận ngày nay.
Vừa rời khỏi thành cổ Lệ Giang, chúng tôi như lạc vào tiên cảnh khi uốn lượn liên tục qua những con đèo mà bên dưới là những áng mây trắng toát lững lờ trôi, thấp thoáng bên dưới vực sâu là con sông Kim Sa uốn mình theo những hẻm núi. Hà sư phụ cho chúng tôi biết đó chính là thượng nguồn của con sông nổi tiếng bậc nhất Trung Hoa lục địa: sông Dương Tử, đoạn chảy qua tỉnh Tứ Xuyên, và mang tên Trường Giang khi đến Thượng Hải để tìm đường ra biển lớn, nó bắt nguồn từ cao nguyên Minh Châu của bộ tộc Moso.
Cảnh vật hai bên đường như bức tranh thủy mặc, tạo cho lữ khách có cảm giác đang được trôi dần về chốn bồng lai. Ngay chính Hốt Tất Liệt với sự kiêu hãnh lạnh lùng của chiến binh Mông Cổ ngày xưa cũng phải xiêu lòng khi đặt chân đến đây vào thế kỷ 13 khi bình định Đại Lý. Và tên gọi làng của người Moso ven hồ Lugu là do chính Hốt Tất Liệt đặt ra khi phát hiện khung cảnh vô cùng nên thơ, hữu tình và cuộc sống của con người nơi này rất "tự đắc kỳ lạc" (mọi người đều vui thú cuộc sống thanh bình, nên thơ), ông ta đặt cho nơi này cái tên Vĩnh Ninh Hương - làng Vĩnh Ninh - mãi mãi yên bình.
Từ trên đỉnh đèo cao trong làn mưa như trút nước, hình bóng một ngôi làng cổ dần hiện ra, những mái ngói màu nâu sậm rêu phong của những ngôi nhà được xây dựng theo lối tam hợp viện, tứ hợp viện nằm nép mình ven một hồ nước rộng mênh mông tuyệt đẹp. Đỉnh Cách Mẫu Sơn sừng sững giữa mây ngàn ngay phía bên kia hồ, thấp thoáng sau những con đường lát đá, những rừng thông. Chúng tôi có cảm giác như đang sống giữa tiên cảnh chốn trần gian. Hà sư phụ nói: "Đây là Lugu phủ, giang sơn của vương quốc đàn bà!".

(Tuổi Trẻ)

Những cuộc tình ở 'Tây lương Nữ quốc'


Với người Moso, cuộc tình đến vào lúc nửa đêm và ra đi khi ánh bình minh bắt đầu ló dạng. Người ta đồn rằng nam giới lạc bước đến đây được cưng như trứng mỏng và được tự do ân ái vì tình trạng nam thiếu nữ thừa.



Và tập tục “tẩu hôn” là một phần cuộc sống của họ ngàn năm qua.

Thaxi Zouma đang giới thiệu hoa lầu của mình. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Thaxi Zouma đang giới thiệu hoa lầu của mình. Ảnh: Tuổi Trẻ.


Chúng tôi đến Lạc Thủy Thôn nằm ven hồ Lugu mờ sương. Đây là một trong những thôn cổ xưa nhất của bộ tộc Moso, người Moso đến đây từ hơn 1.000 năm trước và vẫn giữ gần như nguyên vẹn tập tục cổ truyền xa xưa. Cả thôn có 500 người nhưng nam giới lại chưa tới 200 người.
Phụ nữ Moso được xem là tự do luyến ái sớm bậc nhất thiên hạ, con gái khi đến 13 tuổi đã được tổ chức một nghi thức gọi là lễ thành nhân, được mặc chiếc váy trắng muốt (biểu tượng cho sự trưởng thành) và được tạo lập cho một căn phòng riêng được gọi là hoa lầu để tự do tìm hiểu, ái ân bạn trai tại đây mà không gặp phải một sự cấm đoán nào trong gia tộc cũng như cộng đồng. Có lẽ vì thế mà người ta đồn thổi rằng nam giới lạc bước đến đây được cưng như trứng mỏng và được tự do ân ái vì tình trạng nam thiếu nữ thừa.
Hôm đến thăm nhà Thaxi Zouma, cô gái Moso mới 20 tuổi, cô đã không ngần ngại đưa chúng tôi lên thăm hoa lầu của cô trong ngôi nhà được cất theo lối tam hợp viện. Một gian phòng khang trang khá đẹp mà “trọng tâm” của nó là chiếc giường phủ màn hồng huyền ảo. Với người Moso, tình yêu đến rất tự nhiên và họ xem đó chính là hôn nhân thực tế. Ngay sau khi được làm lễ thành nhân - người con gái đương nhiên được “tẩu hôn”: nam không cưới, nữ không gả.

Các cô gái Moso trong điệu Giáp tha vũ chuẩn bị cho đêm “tẩu hôn”. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Sau những đêm hát đối, nhảy điệu Giáp tha vũ, trai gái phải lòng nhau, trao cho nhau tín vật là món nữ trang bằng bạc, chiếc khăn tay, một món thuốc “đông trùng, hạ thảo”, hay chỉ cần người nam cào nhẹ vào tay người nữ hai cái và nếu người nữ đáp lại cũng bằng một cái cào nhẹ thì xem như sự luyến ái “tẩu hôn” đã bắt đầu. Vào lúc nửa đêm, chàng trai lặng lẽ tìm đến dưới hoa lầu và ra ám hiệu, hoặc chỉ cần gọi khẽ: “Azhiu ơi, anh đã đến!”.
Do ngôn ngữ Moso không hề có tên gọi vợ chồng, do đó từ “azhiu” (bầu bạn) là từ ngữ trìu mến nhất trong quan hệ nam nữ, nàng sẽ mở cửa sổ cho chàng trai trèo vào hoa lầu để ân ái thâu đêm đến khi tới bình minh chàng trai phải rời khỏi hoa lầu trở về nhà mình, và nếu có gặp nhau ngoài đường thì vẫn xem như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Thaxi Zouma sống trong hoa lầu đã nhiều năm, trong phòng của cô có khá nhiều tín vật bằng bạc quí giá, và cả một hộp “đông trùng, hạ thảo” to đùng, nhưng cô chưa một lần “tẩu hôn”, bởi theo Thaxi: “Em chưa tìm được azhiu nào ưng ý, bởi tình yêu là tự do yêu thương mà không bị ràng buộc bởi dục vọng và hình thức - đó mới là tình yêu đích thực”. Ở tuổi 20, nhưng Thaxi nói về tình yêu như người từng trải. “Tẩu hôn” là một phần quan trọng của cuộc sống nơi thâm sơn cùng cốc này. Càng có nhiều kinh nghiệm ái ân thì cuộc tình mới gắn bó bền chặt.
Người con gái “tẩu hôn” không cần cho gia đình mình biết đó là ai, thậm chí đến khi có thai, sinh con cho dù không biết bố đứa bé là ai, nhưng trong gia đình đều vui vẻ chấp nhận. Một phụ nữ có quyền “tẩu hôn” với nhiều người đàn ông. Ông cụ Long Bu Jia Che đã 71 tuổi nhưng vẫn không hề biết cha mình là ai: “Mẹ tôi sinh ra tôi khi bà mới 19 tuổi. Khi sinh ra tôi, cả tổ mẫu lẫn ông cậu đều không hề quan tâm cha tôi là ai. Sau đó mẹ tôi lại “tẩu hôn” với nhiều người nữa và sinh ra hai đứa em gái, và chúng tôi vẫn coi nhau như anh em ruột thịt, rất hòa thuận”.
Tình yêu của người Moso đến nhanh và ra đi cũng rất nhanh như làn sương. Nếu tình cảm hai người không còn thì đường ai nấy đi, không hề có sự ghen tuông, hờn trách. Chỉ cần cô gái có bạn trai mới thì khi chàng trai cũ tìm đến dưới hoa lầu, cô gái nói vọng ra: “Anh đừng đến nữa, em đã có azhiu mới rồi!”, chàng trai sẽ tự động rút lui mà không hề oán giận cho dù hai người đã từng có những đứa con chung, những đứa con chỉ cần biết mẹ mà không cần biết cha chúng là ai.
Trời mưa như trút nước, cái lạnh miền sơn cước như cắt vào da thịt, nhưng chúng tôi vẫn háo hức theo Tiểu Trần - một chàng trai Moso hát hay múa giỏi đến tham dự đêm Giáp tha vũ - đêm hội truyền thống của người Moso. Đó là nơi nam nữ tìm hiểu nhau, trao cho nhau tín vật để chuẩn bị cho chuyện yêu đương vào lúc nửa đêm.
Ánh lửa bập bùng trong đêm, từng đoàn trai gái trong trang phục truyền thống đầy màu sắc của người Moso càng làm cho đêm hội thêm huyền ảo, lung linh. Điệu nhảy Giáp tha vũ gần như bất tận giữa đêm lạnh, từng ánh mắt, cái nắm tay như truyền hơi ấm cho nhau, lời bài hát “ma da mi” (anh yêu em) cứ cất cao, nồng nàn của bao đôi trai gái chuẩn bị bước vào cuộc hoan lạc như thuở hồng hoang. Vậy mà Tiểu Trần như cắt đứt sự hưng phấn đang dâng cao của chúng tôi khi nói: “Đến để cho biết phong tục tập quán của bộ tộc chúng tôi thôi. Các anh không thể có được một đêm “tẩu hôn” hoan lạc đích thực của người Moso!”.

Hóa ra suy tôn nhục cảm, trai gái có thể sống với nhau như vợ chồng từ ánh mắt đầu tiên, tình yêu là không độc chiếm; nhưng lẳng lơ, đa tình và loạn luân nằm trong 10 trọng tội của luật lệ Moso. Bộ tộc Moso được xem là hóa thạch sống của chế độ mẫu hệ từ thuở bình minh của loài người còn sót lại đến nay, nhưng bản năng cơ bản của con người không thể đến từ sự lợi dụng. Mọi biểu hiện gian dâm, đa tình “tẩu hôn” một lúc với nhiều cô gái còn nghiêm trọng hơn tội giết người.
Một người đàn ông lợi dụng sự tự do luyến ái để trong cùng một thời gian “tẩu hôn” với nhiều người đàn bà sẽ bị cả cộng đồng lên án, đuổi ra khỏi bộ tộc và đó sẽ là nỗi nhục truyền kiếp cho cả những thế hệ về sau. Chỉ có cái chết mới gột rửa hết nỗi ô nhục này.
Theo Tiểu Trần, từ rất lâu rồi trong cộng đồng Moso hầu như chưa nghe đến chuyện gian dâm, đa tình. Nhưng trước đây có một số chàng trai dân tộc Hán nghe nói xứ sở Moso tự do luyến ái và con gái Moso cực kỳ xinh đẹp và rất khỏe mạnh trong chuyện chăn gối nên đã tìm đến lợi dụng. Nhưng hầu như không một ai có thể tồn tại được nơi này và đều bị trục xuất ngay lập tức khỏi cộng đồng Moso theo luật của nữ vương ban ra từ ngàn đời nay.

(Tuổi Trẻ)

Theo tư liệu trong “Một vương quốc vô phụ vô phu” của tiến sĩ Châu Hoa Sơn - giáo sư Trường đại học Hong Kong, người đã từng đến sinh sống và nghiên cứu người Moso trong năm 1998 tại làng Vĩnh Ninh (Ninh Lạng, Vân Nam, Trung Quốc), thể chế “tẩu hôn” Moso không hề có hôn lễ, đứa trẻ sinh ra không cần biết cha chúng và người mẹ nhiều lúc cũng không quan tâm cha đứa trẻ là ai.
Theo luật lệ Moso, họ được phép “tẩu hôn” cùng một thời gian với nhiều người đàn ông, nhưng khi sinh ra đứa trẻ nhất thiết phải được làm tiệc rượu đầy tháng, nếu không đó là sự nhục nhã cho cả dòng họ. Và người đàn bà sau “tẩu hôn” mà có thai và hạ sinh là điều tốt lành, thịnh vượng cho cả gia tộc. Người cậu (lão cửu cửu) trong gia đình sẽ đóng vai trò người cha nuôi nấng và chăm sóc đứa bé.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét